HỒN SÂN CỎ DẦN NHẠT PHAI

01/02/2015 | Thông tin hữu ích

HỒN SÂN CỎ DẦN NHẠT PHAI

Sân cỏ trong tennis là một loại sân khá đặc biệt. Ngày nay, mặt sân cỏ thuộc vào loại hiếm dù nó được dùng làm mặt sân thi đấu giải Wimbledon, giải đấu danh giá và lâu đời thuộc hệ thống Grand Slam.
Thông thường, mặt sân cỏ được làm từ loại cỏ chỉ (rye-grass) sống lâu năm và rất mịn. Về đặc tính tự nhiên loại cỏ chỉ này có màu xanh thẫm, các sợi cỏ được mọc thành búi ở rễ và lớn rất nhanh.
Ngoài việc được dùng làm mặt sân tennis, cỏ chỉ còn được dùng làm những bãi cỏ tạo cảnh quan hoặc làm thức ăn cho gia súc vì hàm lượng dinh dưỡng của chúng rất cao. Cỏ chỉ còn được sử dụng trong các chương trình chống xói mòn đất vì cơ chế mọc thành từng búi đan chặt vào nhau của chúng. Tại New Zealand, người ta có những bãi cỏ chỉ ngút tầm mắt để bò gặm. Quốc gia này cũng sản xuất ra được 10 triệu tấn hạt giống cỏ chỉ hàng năm và tất cả số hạt giống này đều được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Liên đoàn tennis quốc tế (ITF) không đưa ra bất kỳ quy định chi tiết kỹ thuật nào về chủng loại cũng như thành phần cỏ. Các giải đấu sân cỏ tự chọn mặt cỏ cho sân đấu của họ.
Trước kia mặt sân Wimbledon dùng 70% cỏ chỉ và 30% cỏ đuôi trâu. Đây là mặt sân khiến bóng đi rất nhanh, nảy thấp. Đặc tính này mang lại lợi thế rất lớn cho các tay vợt có cú giao bóng sấm sét và lối chơi giao bóng rồi chạy thẳng lên lưới chờ bắt volley.
Năm 2001, ban tổ chức Wimbledon điều chỉnh, dùng 100% cỏ chỉ lưu niên. Sự thay đổi này giúp đặt dưới mặt cỏ khô và vững chắc hơn, mặt cỏ có độ bền cao hơn, đủ sức chịu sự giày xéo của đế giày các tay vợt trong 13 ngày diễn ra giải đấu. Mặt cỏ bị giày xéo nham nhở sẽ sinh ra những cú bóng nảy tệ hại trong các trận đấu.
Thế nhưng mặt cỏ mới này lại khiến bóng đi chậm hơn và nảy cao hơn khiến cho các tay vợt có lối chơi sở trường giao bóng lên lưới bất lợi. Chuyên gia sân cỏ người Anh Tim Henman đã ca cẩm vào mùa giải Wimbledon năm 2002 rằng: “Cái quái gì thế này? Tôi đang chơi trên mặt sân cỏ hay sao? Đây là mặt sân chậm nhất mà tôi đã thi đấu trong năm nay”. Nhiều tay vợt cùng sở trường như Henman từ đó mỉa mai mặt sân Wimbledon là “sân đất nện xanh”.



Nhưng sự thật là hiện tại các tay vợt có lối chơi giao bóng lên lưới bây giờ gần như tuyệt chủng. Sân cỏ trên thê giới lại quá ít, các tay vợt hiện tại lớn lên cùng với mặt sân cứng và cùng lối chơi tạt bóng từ cuối sân. Wimbledon phải thay đổi cho hợp thời. “Bây giờ chỉ còn khoảng 5 tay vợt có lối chơi giao bóng lên lưới. Cách đây 20 năm, luôn có  khoảng 50% tay vợt kiểu này ở mỗi giải Grand Slam”, cựu tay vợt Anh John Lloyd nhận xét.
Đúng là từ khi thay mặt cỏ các pha đánh bóng giữa các tay vợt kéo dài hơn, kịch tính hơn. Nhưng khoa học công nghệ đã biến mặt sân trở thành mặt sân thuần túy rồi. Trước đây, mặt sân còn có “tâm hồn” như người ta từng nói: Một trận đánh đơn ở Wimbledon liên quan đến 3 cơ thể sống: 2 tay vợt và mặt sân".
Sân cỏ là loại mặt sân lâu đời nhất trong lịch sử tennis thế giới. So với mặt sân nhựa tổng hợp hoặc sân đất nện, chi phí bảo dưỡng sân cỏ lại rất tốn kém và nhiêu khê hơn rất nhiều. Thông thường, cỏ cần được trồng mới mỗi năm. Người ta gieo hạt giống xuống nền đất được nện cứng, chờ cỏ lên và bắt đầu cắt tỉa rất công phu. Nếu đến ngày đưa vào sử dụng mà gặp phải mưa và không có mái che thì đây quả là một sự gián đoạn đầy "xui xẻo" vì cỏ gặp nước sẽ trở nên rất trơn, không thể sử dụng để thi đấu.
Wimbledon hàng năm có thành công hay không cũng nhờ vào công tác chuẩn bị mặt sân của đội ngũ kỹ thuật và bảo dưỡng. Theo lệ thường, mặt sân Wimbledon sẽ được trồng cỏ mới vào tháng 9 hàng năm, để sử dụng vào cuối tháng 6 năm sau.
Các chuyên gia cũng nghiên cứu rằng, cỏ phải giữ ở độ cao 8mm ở toàn bộ mặt sân để đảm bảo độ nảy đồng nhất và đảm bảo được độ bền của cỏ. Vì lẽ đó, cỏ trên mặt sân thi đấu lẫn tập luyện của wimbledon luôn được giữ ở độ cao 8mm kể từ năm 1995.

Tác giả bài viết: Tín Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây