Bí quyết chiến thắng của Nadal - Vợt Tennis 'thông minh'
Trong môn Tennis, điểm tiếp xúc bóng trên mặt vợt, lực, độ xoáy là các thông tin rất quan trọng giúp vận động viên cải thiện được trình độ của bản thân. Trước đây, việc đào tạo, huấn luyện vận động viên Tennis chủ yếu dựa vào phương pháp “thị phạm” và cảm nhận của vận động viên. Đến nay, nhờ khoa học công nghệ họ có thể biết chính xác các thông tin này.
Từ 10 năm trước, giám đốc điều hành Eric Babolat đã có ý tưởng kết nối thiết bị điện tử với cây vợt Tennis, nhưng phải mất rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu cũng như sự phát triển của công nghệ để giải quyết các vấn đề như: các loại cảm biến, kích thước linh kiện, công nghệ kết nối.. để các tay vợt ko phải mang đeo cả chiếc ba lô cùng với vô số thứ lỉnh kỉnh khi chơi Tennis.
Cây "vợt thông minh" - “Smart racket” mà Nadal đang sử dụng tại giải Úc mở rộng có hình dáng, màu sắc giống hệt chiếc vợt anh vẫn thường dùng, ngoại trừ điểm đặc biệt là nó có thêm một công tắc điều khiển và bộ cảm ứng.
Bộ cảm ứng gắn ở cán vợt có nhiệm vụ thu thập các dữ liệu, được phát minh bởi hãng Babolat. Cuối buổi tập, bạn tải dữ liệu về máy tính hoặc smartphone, tablet để phân tích xem điểm mạnh và yếu của bạn là như thế nào.
“Tôi biết để chơi tốt, tôi phải đánh hơn 70% cú forehand và dưới 30% cú backhand”, Nadal nói sau chiến thắng trước tay vợt Mikhail Youzhny tại vòng 1 giải Úc mở rộng hôm thứ 2 vừa rồi.
Trước đây, Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) cấm người chơi sử dụng các thiết bị phân tích kỹ thuật trong thời gian diễn ra giải đấu nhưng từ tháng 1 năm ngoái, ITF ban hành luật mới cho phép các tay vợt đeo hay sử dụng thiết bị “thông minh”, giống như cây vợt của Nadal hay bộ đo các chỉ số sinh học của cơ thể khi họ thi đấu.
Tuy nhiên, các dữ liệu này chỉ được sử dụng để phân tích ở thời điểm sau trận đấu, chứ không sử dụng ngay khi trận đấu đang diễn ra.
Cách sử dụng cây vợt khá đơn giản, người phát ngôn Thomas Otton của công ty Babolat cho biết.
“Có 2 nút bấm ở phần chuôi vợt, khi bạn bấm nút ‘on’, đèn LED xanh hiện lên và bạn bắt đầu trận đấu”, Otton nói.
“Khi kết thúc trận đấu, bạn bấm nút thứ hai, sau đó chỉ việc kích hoạt Bluetooth để truyền dữ liệu từ cảm ứng sang smartphone hay các thiết bị khác”.
Otto tiết lộ một số phân tích trong buổi tập kéo dài 1 giờ 31 phút, trước ngày thi đấu của Nadal. Theo đó, Nadal đã có tổng cộng 572 cú đánh trong thời gian thực 22 phút, trong đó có 156 cú trái tay, 222 cú thuận tay, 118 cú giao bóng và 76 cú smash.
Dữ liệu còn cho biết chi tiết hơn nữa, trong 222 cú vụt thuận tay thì có 133 cú giật xoáy, 49 cú cắt bóng và 40 cú đánh thẳng.
Về vị trí tiếp xúc bóng, 42% cú đánh của Nadal rơi vào phần trung tâm vợt, 20% vào phần đỉnh vợt, 38% còn lại rơi vào đáy vợt và hai bên.
“Chúng tôi cứ tưởng mình đánh vào tâm vợt nhiều lắm, nhưng số liệu chứng minh chúng tôi đánh bóng chẳng chuẩn xác như mọi người tưởng”, Wozniacki nói vui sau trải nghiệm cùng cây vợt.
Toni Nadal, ông chú và là HLV của Rafael Nadal nói đùa rằng bộ cảm ứng là đồng minh mới của mình.
“Thi thoảng, khi tôi chỉnh Rafa về cách đánh bóng, nó không đồng ý với tôi", Toni nói,"Giờ thì tôi đã có dữ liệu làm bằng chứng rồi”.
Nadal phản pháo lại ông chú: “Giờ chú ấy có dữ liệu để biết chú ấy sai thế nào rồi”.
Hãng sản xuất vợt Babolat là hãng đầu tiên đưa công nghệ này vào dòng vợt Pure Drive mà các tay vợt như Karolina Pliskova, Julia Goerges, Yanina Wickmayer và dòng vợt Aero Pro Drive mà Nadal, Jo Wilfried Tsonga, Caroline Wozniacki đang sử dụng.
Nguồn tin: Cafebiz.vn