SẼ CÓ SÂN ĐẤT NỆN TẠI VIỆT NAM?

22/01/2015 | Tin tennis

SẼ CÓ SÂN ĐẤT NỆN TẠI VIỆT NAM?

Tennis Việt Nam kể cả từ trước năm 1975 đến nay chỉ có đúng một mặt sân quen thuộc: sân cứng. Mỗi ngày, riêng TP HCM, hơn 60.000 người tập luyện tennis và sinh hoạt CLB tại các cụm sân với độc một mặt sân cứng. Theo giới chuyên môn, những người làm sân tennis Việt Nam, sở dĩ sân cứng độc quyền vì mặt sân này phù hợp với điều kiện khí hậu tại Việt Nam và không cần phải tốn quá nhiều công sức lẫn chi phí để bảo quản. Nếu cụm sân nào dư dả về tài chính, chủ sân chỉ cần lắp thêm mái che để kéo dài thời gian sử dụng sân cho khách, như sân Kỳ Hòa 2, Văn Thánh, Hoàng Thiên ...
 Người Nga muốn làm sân đất nện ở Việt Nam

Mới đây, trong một lần dùng cơm tối với một số doanh nhân người Nga tại Nha Trang, chúng tôi được nghe đến ý tưởng thiết lập hệ thống sân đất nện đầu tiên tại Việt Nam. Hai nhân vật này còn rất trẻ và mới chỉ là những người đi khảo sát xu hướng chơi tennis tại việt Nam. Đằng sau họ là một công ty đầu tư bất động sản sẵn sàng đầu tư với hy vọng tạo nên một bước ngoặt cho tennis Việt Nam. Theo đó, họ sẽ tạo ra một cụm sân đất nện theo phong cách Mỹ hoặc Tây Ban Nha và đặc biệt là Anh.
Theo những nhân vật người Nga này, người chơi tennis Việt Nam sẽ rất thích sân đất nện bởi đó là mặt sân giúp họ rèn luyện thể lực tốt hơn sân cứng. Ngoài ra, chơi tennis trên sân đất nện sẽ an toàn hơn, người chơi sẽ ít bị chấn thương hơn bởi tennis đất nện có những kỹ thuật đặc trưng như trượt, lướt chứ không chạy nhiều như trên sân cứng, vốn sẽ gây những áp lực lên gối và cơ đùi, dẫn đến căng cơ hay chấn thương nặng hơn.
Ý tưởng làm sân đất nện đầu tiên tại Việt Nam cũng nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau. Cách đây chưa lâu, HLV Trần Đức Quỳnh đã phải dẫn một số tay vợt của Becamex Bình Dương sang tận châu Âu để tập huấn các kỹ thuật sân đất nện. Nếu đã có sẵn một trung tâm tennis sân đất nện tại Nha Trang hoặc TP HCM, rõ ràng chuyến đi của thầy trò Trần Đức Quỳnh sẽ đỡ tốn kém hơn và LĐ Tennis Bình Dương chỉ mất kinh phí mời chuyên gia huấn luyện đất nện sang truyền đạt kinh nghiệm cho các HLV Việt Nam.
Một số người lo ngại sân tennis đất nện khó thành công như sân bóng đá cỏ nhân tạo. Trong bóng đá, chơi bóng trên sân cỏ tự nhiên và sân cỏ nhân tạo về cơ bản không có sự khác biệt về kỹ thuật, ngoại trừ các cầu thủ phải mang loại giày phù hợp (giày đinh đối với sân cỏ tự nhiên và giày gai nhựa cho sân cỏ nhân tạo). Tuy nhiên, mọi chuyện rất có thể sẽ khác nhiều nếu các tay vợt tennis chuyển từ sân cứng sang sân đất nện. Kỹ thuật tennis cho mỗi một sân đều khác nhau, trong khi người chơi tennis tại Việt Nam đã bị định hình phong cách chơi trên sân cứng từ bao lâu nay, nên sẽ rất khó thích nghi với sân đất nện. Đó cũng là thách thức không nhỏ với các nhà đầu tư người Nga.

Sân đất nện: có còn hơn không!

Ngoài ra, nếu mở trung tâm tennis đất nện chỉ nhắm vào đối tượng các tay vợt đỉnh cao, có lẽ đó sẽ là một phương án không hợp lý vì họ sẽ bỏ lửng hàng trăm ngàn tay vợt nghiệp dư và bán chuyên nghiệp. Các tay vợt đỉnh cao Việt Nam cũng cần được tập luyện trên sân đất nện song trong một năm, họ chỉ có thể đem ra áp dụng đúng 1 lần nếu tuyển Davis Cup Việt Nam thi đấu nhóm 3 châu Á - châu Đại Dương tại địa điểm có sân đất nện như Sri Lanka hay Iran. Chưa kể, giới chuyên môn còn cho rằng các tay vợt Việt Nam cần tránh đi tập huấn hay tu nghiệp tại các trung tâm đất nện tại Tây Ban Nha hay Pháp vì sẽ rất dễ bị hư lối đánh cũng như mất phong độ. Trường hợp của tay vợt nữ Ngô Việt Hà trước đây là ví dụ. Sau khi từ bỏ tập luyện trên sân cứng để chuyển sang tập luyện chủ yếu trên sân đất nện, Hà đánh mất sức mạnh trong các cú đánh và bị hư luôn kỹ thuật cơ bản.
Tân HLV trưởng tuyển tennis Việt Nam, ông Nghê Phát Đạt có ý kiến trung dung hơn. Ông cho rằng, điều kiện thời tiết cũng như tâm lý của người chơi là những rào cản. Bên cạnh đó lịch thi đấu ATP Tour một năm cũng không có nhiều giải đất nện, hầu hết đều là sân cứng. 4 giải Grand Slam, chỉ 1 giải là đất nện, giải Roland Garros. Hơn nữa, tập luyện trên sân đất nện đòi hỏi tay vợt phải có người hướng dẫn giúp dung hòa và thích nghi với nhiều lối đánh, nhằm tránh trường hợp bị mất kỹ thuật cơ bản. Vì vậy, ông Phát Đạt không phản đối ý tưởng trên nhưng cũng nhằn nhủ, nếu đã làm thì nên làm có định hướng lâu dài và căn cơ.
Nhóm khảo sát của Công ty đầu tư bất động sản Nga đang thu thập ý kiến phản biện để lên kế hoạch chi tiết cho sân đất nện của mình. Có thể sân đất nện của họ sẽ có mái che. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ mời một số cựu tay vợt chuyên đất nện của Nga sang Việt Nam cộng tác giảng dạy cho các tay vợt nghiệp dư và cả tay vợt nhí những kỹ thuật cơ bản của đất nện. Song song đó họ cũng sẽ chỉ dẫn mọi người cách làm thế nào để không đánh mất những kỹ năng sân cứng.
Nếu thành hiện thực, đây sẽ là một trung tâm tennis đất nện khá hoành tráng. Bởi kinh phí xây dựng sân đất nện rất tốn kém. Các nhà đầu tư phải nhập đất sét nhân tạo cũng như đất sét tự nhiên đặc trưng đúng chuẩn quốc tế về Việt Nam. Đó là chưa kể việc thành lập hẳn hệ thống đào tạo tại chỗ.
Vì thế người hâm mộ tennis Việt Nam cũng đang mong chờ ngày ra đời của sân đất nện. Bước đi ban đầu lúc nào cũng khó khăn, nhưng hy vọng cũng giống như sự thành công của sân cỏ nhân tạo ở bóng đá. Sân đất nện rồi cũng sẽ góp phần giúp phát triển tennis Việt Nam.
 

Tác giả bài viết: MINH HUY

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây