ĐÊM TRƯỚC VINH QUANG

30/01/2015 | Tin tennis

Trích từ cuốn tự truyện của Michael Chang

Trích từ cuốn tự truyện của Michael Chang
Michael Depei Chang • Sinh ngày 22.2.1972 tại bang New Jersey (Mỹ) • Cao 1m75, chơi chuyên nghiệp năm 1988, giải nghệ năm 2003. • Giành 32 chức vô địch ATP. • Xếp hạng cao nhất: thứ 2 thế giới (9.2006) • Grand Slam: vô địch Roland Garros (1989), á quân Australian Open (1996) , US Open (1996) • Là tay vợt nam trẻ nhất trong lịch sử giành chức VĐ Grand Slam.

 
Cuốn tự truyện “Holding Server” mà tôi viết đã được ấp ủ từ lâu rồi. Tôi nghĩ lần đầu tiên tôi có ý định viết tự truyện là 30 phút sau khi tôi đăng quang tại giải Roland Garros. Nhiều năm sau đó, không ít nhà xuất bản đã đề nghị tôi viết một cuốn sách về bản thân nhưng tôi từ chối. Tôi nghĩ mình còn quá trẻ để viết tự truyện. Nếu Chúa cho tôi sống đến 70 tuổi thì tôi vẫn còn rất nhiều thời gian để làm điều này.
Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng viết cuốn tự truyện mà các bạn đang đọc. Tôi muốn ghi lại cảm xúc của mình tại giải Roland Garros năm 1989 (danh hiệu vô địch Grand Slam duy nhất trong sự nghiệp của Chang) khi tôi là tay vợt trẻ nhất trong lịch sử đăng quang. Ngày đấy, tôi mới 17 tuổi, 3 tháng. Có lẽ cảm xúc của những ngày tháng đó không bao giờ phai mờ nên viết trong hôm nay hay sau này cũng vậy. Đó là lý do mà tôi viết cuốn tự truyện sớm hơn dự định ban đầu.
·        Nỗi ám ảnh của người Mỹ
Nếu cuốn sách này nói về cuộc sống của tôi khi 17 tuổi thì thật buồn. Tôi may mắn sinh trưởng trong một gia đình tuyệt vời. Tuổi 17 của tôi hầu hết thời gian dành cho trường học hoặc trên sân tập, cầm vợt và tập trung vào màu vàng của trái bóng. Nhưng giải Roland Garros năm 1989 làm cuộc đời tôi thay đổi. Tôi vẫn nhớ ngày 20.5.1989, giải Roland Garros khai mạc, tôi lúc đó 17 tuổi 3 tháng 7 ngày. Tôi vẫn nhớ người Pháp gọi giải của họ là Ro-lahnd Garrow và có lẽ người Mỹ đã phát âm sai khi cho thêm chữ “s” đằng sau.
Tôi xếp hạt giống thứ 18 khi ấy nhưng John McEnroe, Emilio Sanchez và Thomas Muster cùng không tham gia giải nên tôi nghiễm nhiên lọt vào top 16 tay vợt hạt giống. Đó có thể là may mắn cho tôi. Trước tôi, người Mỹ đã có 44 năm không đăng quang giải Pháp mở rộng. Sau Trabert vô địch Roland Garros năm 1955, không tay vợt người Mỹ nào thành công tại giải này. McEnroe vào đến chung kết năm 1984 nhưng thất bại trước I van Lendl. Thành ra cứ vào tháng 5, tay vợt lão làng Trabert luôn bị các phóng viên tennis tra tấn câu hỏi bao giờ người Mỹ mới kết thúc cơn khát tại mặt sân đất nện.



·        Ngựa non háu đá
Màu đỏ của mặt sân đất nện trở thành nỗi ám ảnh của người Mỹ. Người Mỹ gọi mặt sân này là “sự tàn sát kinh hoàng”. Nhiều tay vợt Mỹ chơi tốt tại các mặt sân khác đều thất bại tại đây. Mặt sân đất nện làm giảm tốc độ sau khi bóng nẩy nên những tay vợt quen giao bóng mạnh hay đánh thuận tay đều khó thích nghi. Đánh sân đất nện thì bạn cần thay đổi triết lý chơi tennis. Nó không chỉ đòi hỏi bạn nhanh, mạnh mà cần cả long kiên trì. Nếu không quen chơi trên mặt sân này thì bạn sẽ có cảm giác cầm vợt trong khi chân đi patin.
Tôi sinh trưởng tại California, nơi có nhiều mặt sân để luyện tập. Với sân đất nện, tôi tập khá nhiều và vài ba lần dự giải trên mặt sân này. Các bạn cùng trang lứa với tôi không thích chơi trên sân đất nện vì họ muốn chơi các trận đấu mà tốc độ của bóng cao hơn. Tâm lý của người Mỹ như vậy nên họ không  thành công trên đất Pháp. Còn tôi, tôi thấy mình hợp với sân này nhưng tất nhiên số ngày tập của tôi chẳng thể thấm vào đâu so với các chuyên gia đánh sân đất nện.
Những ngày trước khi đến Pháp, tôi vẫn tập với HLV Jose Higueras, một người rất có kinh nghiệm trên mặt sân đất nện. Cùng tập với chúng tôi còn một tay vợt trẻ tài năng khác là Pete Sampras, người lớn hơn tôi 6 tháng. Tôi và Pete đã thi đấu với nhau từ hồi 8 tuổi. Cậu ta có những cú đánh trái tay bằng cả hai tay rất uy lực. Tại các giải trẻ ở miền nam California, tôi, Pete và một đứa khác có tên Agassi đụng nhau suốt. Tôi và Pete thân nhau hơn vì chúng lôi sàn sàn tuổi nhau. Trong một số giải mà mẹ tôi có thể đi cùng, bà cũng dành thời gian chăm sóc cho Pete.
Tôi hỏi Jose về giải Roland Garros: “Thầy đang nghĩ gì đấy? Tôi có cơ hội vô địch lần này không?”.
Một câu hỏi rất kiêu ngạo, đến giờ tôi cũng nghĩ vậy nhất là khi lúc ấy tôi mới 17 tuổi Có lẽ tuổi đó có thể hỏi mà không cần suy nghĩ nhưng thật ra khi đó, tôi hỏi rất nghiêm túc. Jose trả lời: “Anh có thể vô địch ở Pháp nhưng phải chờ trong một vài năm tới. Bây giờ thì không thể. Vì vậy, giờ phải tập luyện thi đấu cho nghiêm túc”.
·        Sampras, Lendl, Edberg và chức vô địch
Jose luôn là vậy, ông ta dù từ chối nhưng không bao giờ dập tắt hy vọng của người khác. Còn tôi đáp lại: “Không, tôi muốn ngay trong năm nay. Tại sao lại không thể được?”. Thầy Jose không quan tâm câu hỏi của tôi lắm và vẫn lặp lại câu trả lời: “Không nên lạc quan quá. Anh sẽ có cơ hội trong năm sau”.
Cuộc tranh luận của chúng tôi kết thúc. Tôi tràn đầy hy vọng và trái tim tôi tràn đầy niềm tin. Tuổi 17 của tôi là thế. Tôi đến Paris với cảm nhận sẽ tạo được bất ngờ ở giải này. Trận đấu khiến tôi lo lắng nhất là gặp Sampras tại vòng 2. Lần đầu chúng tôi đấu với nhau tại một Girand Slam và tôi thắng 3 set trắng. Khi vượt qua Sampras, tôi biết mình đã vượt qua chính mình và không còn e ngại gì nữa…
Giải đó, sau khi thắng Sampras, Chang thắng Roig 3-0 tại vòng 3, thắng huyền thoại Lendl 3-2 tại vòng 4, thắng Agenor 3-1 tại tứ kết, thắng Chesnokov 3-1 tại bán kết và trận chung kết, Chang hạ Edberg 3-2 để đăng quang. Trận thắng huyền thoại Lendl 4-6, 4-6, 6-3, 6-3, 6-3 sau 4 giờ 37phút tại vòng 4 là một trong những trận hay nhất trong lịch sử Roland Garros. Chang làm tất cả những gì có thể để phá vỡ nhịp độ của cỗ máy Lendl khủng khiếp. Lendl đã chửi thề cả trọng tài lẫn khán giả sau khi bị chọc quê bởi cú giao bóng under-arm quái dị của Chang.

Tác giả bài viết: Tín Nghĩa sưu tầm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây